Cuối tháng 9, chính quyền Mỹ đề xuất quy định mới, giới hạn thời hạn visa của du học sinh xuống 2 năm cho 59 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
59 quốc gia được đưa vào đề xuất này gồm những nước được cho là tài trợ khủng bố, như Iran, Syria, Sudan và Bắc Triều Tiên và nước có tỷ lệ người đến Mỹ, ở quá thời hạn visa, như Việt Nam, Nigeria hay Nepal. Trong năm học 2018-2019, có hơn 24.000 du học sinh Việt Nam theo học tại các trường đại học Mỹ, theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục quốc tế.
Các du học sinh không đến từ 59 nước trên mà theo học tại trường không được công nhận chính thức, tức không tham gia vào hệ thống xác nhận E-Verify của chính quyền liên bang, cũng sẽ chỉ có thể xin visa 2 năm tới Mỹ.
Sau thời hạn 2 năm, du học sinh phải nộp đơn xin gia hạn. Hiện tại, chưa rõ liệu chính quyền Mỹ có khả năng từ chối đơn xin gia hạn của du học sinh không, đặc biệt là với người theo đuổi các chương trình học dài hơn 2 năm, ví dụ cử nhân 4 năm, hay tiến sĩ 6 năm. Tuy nhiên, nếu cần nhiều hơn thời gian cần thiết để hoàn tất chương trình, học sinh sẽ phải cung cấp các bằng chứng về lý do khách quan dẫn tới sự chậm trễ này, ví dụ y tế, hay các thảm họa thiên nhiên.
Việc này được hy vọng sẽ ngăn ngừa các nguy hiểm an ninh và kiểm soát sự đồng thuận của phía du học sinh tới chính quyền Mỹ một cách hiệu quả hơn.
Nếu được thông qua, những đề xuất này sẽ khiến nhiều học sinh với dự định du học Mỹ phải cân nhắc, khiến Mỹ mất đi nguồn cung tài chính lớn. Trung bình, mỗi năm Mỹ thu hút 32 triệu USD (742,4 tỷ đồng) và hơn 300.000 việc làm nhờ lực lượng du học sinh, theo tổ chức tư vấn New American Economy.
Tuy nhiên, đề xuất này chưa chắc khả thi bởi chính quyền Tổng thống Trump có thể bị thay thể vào tháng 1/2021 sau cuộc bầu cử. Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, ông sẽ có thêm 4 năm để đưa đề xuất này vào hiện thực.
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Trump có động thái nhằm hạn chế số du học sinh đến Mỹ. Vào tháng 7, Tổng thống Trump đã lên kế hoạch cắt toàn bộ thị thực của sinh viên theo học chương trình trực tuyến, sau khi trường chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến trong Covid-19. Kế hoạch này cuối cùng cũng được bãi bỏ, sau khi nhiều trường đại học gửi đơn phản đối, thậm chí kiện tới chính quyền liên bang. Tuy nhiên, đề xuất này không thể tránh khỏi việc khiến hàng trăm nghìn du học sinh quốc tế suy nghĩ lại về quyết định du học Mỹ.
Tổng thống Trump cũng đã áp đặt nhiều quy định khó khăn hơn cho du học sinh tốt nghiệp và muốn tìm kiếm sự nghiệp tại Mỹ, chủ yếu thông qua hệ thống visa H-1B cho lao động trình độ cao. Đây là cánh cửa đề các tài năng quốc tế làm việc tại Mỹ, tập trung vào các ngành nghề có nhu cầu cao như khoa học máy tính, kỹ sư, giáo dục, hay y tế.
Trong thời gian đại dịch, Tổng thống Trump đã ký quyết định tạm hoãn toàn bộ việc nhập cảnh của lao động quốc tế đến Mỹ cho đến cuối năm 2020. Điều này có thể coi như hành động mạnh mẽ nhắm tới sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp từ các đại học Mỹ.
Chính quyền Trump cũng đã hành động quyết liệt để chống gian lận thị thực học sinh bằng cách thông qua các phương pháp không chính thống, và gia tăng các hình phạt liên quan đến thị thực sinh viên.
Theo đề xuất quy định năm 2018 của cơ quan quản lý người nhập cư, những lỗi nhỏ như báo cáo sai địa chỉ, bị trượt một môn học có thể khiến học sinh, sinh viên không thể nộp visa mới hay cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 10 năm. May mắn đề xuất này bị phản bác bởi Tòa án Liên bang.
Phan Nghĩa (Theo Vox)